Từ ngày 25/02/2022, Bộ Công An sẽ tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, có lẽ các bạn cũng đã nghe qua mã định danh, vậy bạn đã nắm rõ chi tiết mã định danh cá nhân là gì? Mã định danh cá nhân được dùng để làm gì? Mã định danh cá nhân có khác gì so với Căn cước công dân gắn chip hay không? Mã định danh xin ở đâu? Cách tra cứu mã định danh cá nhân như thế nào? Thẻ định danh điện tử là gì? Tài khoản định danh điện tử dùng để làm gì? Cách đăng ký tài khoản định danh điện tử như thế nào? Trong bài viết dưới đây, TaxPlus sẽ thông tin chi tiết về mã định danh cá nhân và cách tra cứu mã định danh cá nhân bằng điện thoại hay máy tính một cách đơn giản.
Mã định danh là gì?
1. Mã định danh là gì?
Theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP nêu rõ:
Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Mã định danh là dãy số xác định nhân thân của mỗi công dân do Bộ Công an cấp. Mỗi công dân được cấp một mã định danh duy nhất từ khi sinh ra đến khi mất đi và không lặp lại ở người khác.
Số định danh cá nhân có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối, liên thông giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Khi đủ tuổi được cấp Căn cước công dân, số của Căn cước công dân cũng chính là mã định danh cá nhân.
2. Cấu trúc của mã định danh cá nhân
Cấu trúc mã định danh cá nhân để bạn có thể dễ dàng tra mã số đinh danh cá nhân:
- 3 số đầu: Là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (TTTƯ) nơi công dân đăng ký khai sinh hoặc là mã của quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh.
- 1 chữ số tiếp theo: Là mã thế kỷ sinh + giới tính của công dân.
- 2 chữ số tiếp theo: Là mã năm sinh của công dân.
- 6 số còn lại: Là dãy các số ngẫu nhiên của mỗi người.
Trong đó:
Mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mà công dân đã đăng ký giấy khai sinh có các mã từ 001 đến 096 tương ứng với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
(Xem thêm chi tiết mã tỉnh, thành phố tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ Công an).
Mã thế kỷ và mã giới tính trong số định danh cá nhân được quy ước như sau:
- Công dân sinh ở thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Đối với Nam là 0, nữ là 1.
- Công dân sinh ở thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Đối với Nam là 2, nữ là 3.
- Công dân sinh ở thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Đối với nam là 4, nữ là 5.
- Công dân sinh ở thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Đối với nam là 6, nữ là 7.
- Công dân sinh ở thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Đối với nam là 8, nữ là 9.
Mã năm sinh: thể hiện 2 số cuối năm sinh của công dân. Ví dụ bạn sinh năm 1988 thì mã năm sinh của bạn sẽ là 88.
Mã định danh dùng để làm gì?
1. Dùng để tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Mỗi một mã định danh đều gắn với các thông tin cơ bản của một cá nhân. Các thông tin này được Bộ Công an thống nhất quản lý và cập nhật, chia sẻ trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Từ hệ thống Cơ sở dữ liệu này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sẽ sử dụng mã định danh cá nhân để thực hiện kiểm tra thông tin của người được cấp trong những trường hợp cần thiết.
2. Thay cho mã số thuế cá nhân để khai báo thuế
Theo quy định tại khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019, khi mã định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ người dân thì sử dụng mã định danh cá nhân được sử dụng thay cho mã số thuế.
3. Dùng thay cho giấy tờ tùy thân khi mua bán nhà ở
Tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 30/2021/NĐ-CP quy định:
Trường hợp công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì được sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân (bản sao Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác) khi thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Như vậy, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì người dân đã được cấp mã định danh cá nhân được sử dụng mã này thay cho bản sao các giấy tờ tùy thân khi làm các tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Xem thêm:
- Dịch vụ cho thuê văn phòng ảo
- Vốn ODA là gì? Đặc điểm, ưu điểm và nhược điểm của nguồn vốn ODA
Mã định danh tích hợp những thông tin gì?
Mỗi số định danh cá nhân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ chứa đựng, tích hợp rất nhiều thông tin quan trọng của công dân. Trong đó, các thông tin cơ bản nhất là:
- Họ tên khai sinh;
- Ngày tháng năm sinh;
- Giới tính;
- Nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, tạm trú, tình trạng khai báo tạm vắng, nơi ở hiện tại…
- Quê quán;
- Dân tộc;
- Tôn giáo;
- Thông tin về người thân hoặc người đại diện hợp pháp;
- Thông tin chủ hộ và các thành viên trong gia đình;
- Ngày tháng năm chết hoặc mất tích…
Thủ tục xin cấp mã định danh
1. Đối với công dân đăng ký khai sinh
Theo Điều 14 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, khi nhận đủ giấy tờ để đăng ký khai sinh, cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử có trách nhiệm chuyển các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sau đó cấp chuyển ngay số định danh cá nhân cho cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch.
2. Đối với công dân đã đăng ký khai sinh
Căn cứ Điều 15 Nghị 137/2015, sửa đổi bởi Nghị định 37/2021/NĐ-CP, công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.- Ngay sau khi xác lập được số định danh cho công dân, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
– Trường hợp công dân đã có số định danh cá nhân mà được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập lại số định danh cho công dân. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh đã được xác lập lại.
Cách tra cứu mã định danh cá nhân
1. Tra cứu mã định danh cho trẻ em
Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho toàn bộ người dân, kể cả trẻ sơ sinh. Vì vậy, mỗi công dân đều có một số định danh cá nhân trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc tra cứu số định danh cho trẻ em được thực hiện trực tiếp trên Giấy khai sinh.
Nếu tìm thấy số định danh của trẻ trên giấy khai sinh, cha mẹ liên hệ Công an khu vực nơi đăng ký khai sinh cho trẻ để được cấp mã định danh.
Khi đi lấy số định danh cá nhân cho con, cha mẹ cần mang theo Giấy khai sinh của con và các giấy tờ chứng minh nhân thân như Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu.
2. Tra cứu mã định danh cho người chưa có Căn cước công dân
Đối với những người chưa có căn cước công dân thì bạn có thể tra cứu xem mã định danh cá nhân của mình trên Cổng dịch vụ công quản lý cư trú của Bộ triển khai. Chỉ với một vài thao tác đơn giản bạn đã có thể biết được mã định danh cá nhân của mình dù chưa có CCCD gắn chip.
Cách tìm kiếm số định danh cá nhân, tìm mã định danh cá nhân online cực nhanh, bạn tham khảo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công quản lý cư trú trên Internet > Chọn Đăng nhập
- Cổng dịch vụ công quản lý cư trú
Bước 2: Đăng nhập bằng tài tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia của bạn.
Bước 3: Chọn biểu tượng LƯU TRÚ tại trang chủ để tiến hành tra mã định danh cá nhân của chính mình.
Với cách này bạn cũng có thể nhập thông tin của người thân để có thể tra cứu giúp cũng không thành vấn đề.
Bước 4: Mã định danh cá nhân của bạn sẽ hiển thị mục THÔNG TIN NGƯỜI THÔNG BÁO.
3. Tra cứu mã định danh cho người đã có Căn cước công dân
Đối với những người đã có căn cước công dân thì mã số định danh cá nhân chính là dãy số gồm 12 số trên Căn cước công dân. Đối với trường hợp này bạn sẽ dễ dàng có thể tra cứu được mã số định danh cá nhân của bạn và con em trong gia đình trên 15 tuổi.
4. Tra cứu mã định danh cho học sinh
Đối với học sinh, nếu không thể tìm thấy mã định danh cá nhân trên giấy khai sinh thì Cha mẹ có thể liên hệ Công an Quận/huyện/thị xã nơi mà học sinh đăng ký hộ khẩu thường trú để được cung cấp số định danh.
Mã định danh học sinh tiểu học, trung học bạn đều có thể xin tại cơ quan Công an Quận/huyện/thị xã nơi mình sinh sống.
Mã định danh cá nhân học sinh này cũng chính là số trên thẻ CCCD gắn chip của các em sau này.
Công dân được cấp mã định danh cá nhân khi nào?
Mã định danh cá nhân được cấp sau khi thông tin về công dân được thu thập vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư một cách đồng bộ, thống nhất.
Theo quy định tại Điều 14, 15 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, công dân được cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an cấp mã số định danh cá nhân khi:
- Đăng ký giấy khai sinh.
- Làm CCCD (đối với các trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân hoặc đối với trường hợp công dân đang sử dụng CMND 9 số chuyển sang đăng ký CCCD).
Tài khoản định danh điện tử là gì?
Từ 25/2/2022, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội C45 – Bộ Công An bắt đầu tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân trên phạm vi toàn quốc.
Tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT)là tập hợp gồm tên tài khoản và mật khẩu (hoặc hình thức xác thực khác) được tạo bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an (theo khoản 7 Điều 2 của Quyết định 34/2021/QĐ-TTg).
Theo Bộ Công an, danh tính điện tử công dân Việt Nam bao gồm thông tin cá nhân (số định danh cá nhân; họ tên; ngày/tháng/năm sinh; giới tính), ảnh chân dung và vân tay.
TKĐDĐT chứa thông tin danh tính điện tử, là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử (hiện nay là Bộ Công an).
TKĐDĐT của công dân Việt Nam có hai mức. Mức 1 gồm các thông tin cá nhân và ảnh chân dung; mức 2 có thêm thông tin về vân tay.
Với mức độ 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản như phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng).
Với mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả tiện ích được cung cấp như tích hợp các loại giấy tờ (giấy phép lái xe (GPLX), đăng ký xe, bảo hiểm y tế (BHYT)), thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, đóng BHXH, BHYT, chuyển tiền).
Mọi cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên được đăng ký TKĐDĐT. Người chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo TKĐDĐT của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đối với người được giám hộ khác thì cần đăng ký theo TKĐDĐT của người giám hộ.
Những thông tin cần khai báo khi đăng ký gồm: Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài); họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch (đối với người nước ngoài); số điện thoại, email.
Mọi người dân được miễn phí chi phí thực hiện đăng ký ĐDĐT. Tài khoản định danh sẽ có cùng thời hạn với thời hạn của CCCD gắn chip.
Việc đăng ký TKĐDĐT là không bắt buộc, dù vậy Bộ Công an khuyến khích công dân nên đăng ký sử dụng TKĐDĐT để được hưởng nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm các thủ tục trong giao dịch hành chính công.
“Tài khoản định danh điện tử có thể được hiểu là “ví giấy tờ điện tử”, là phương thức quản lý thông tin CCCD hay toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng.” Theo Báo Pháp luật Online
Đăng ký tài khoản định danh điện tử ở đâu?
Theo quy định tại Điều 6 Quyết định 34/2021/QĐ-TTg đối tượng đăng ký tài khoản định danh điện tử gồm:
– Cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử.
– Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
– Đối với người được giám hộ khác thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.
Các thông tin cần khai báo được thực hiện trên thiết bị điện tử khi cá nhân đăng ký tài khoản định danh điện tử gồm:
a) Số định danh cá nhân; số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài);
b) Họ, tên đệm và tên;
c) Ngày, tháng, năm sinh;
d) Giới tính;
đ) Quốc tịch (đối với người nước ngoài);
e) Số điện thoại, email;
g) Trường hợp đăng ký cho người chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ.
Công an sẽ tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử cho bạn. Sau khi đã có tài khoản định danh điện tử, công dân có thể vào app định danh điện tử để kích hoạt định danh điện tử của mình và đăng nhập tài khoản định danh điện tử rồi tiến hành sử dụng.
Làm tài khoản định danh điện tử có mất phí hay không?
Theo Bộ Công an, mọi người dân được miễn phí chi phí thực hiện đăng ký định danh điện tử. Tài khoản định danh sẽ có cùng thời hạn với thời hạn của căn cước công dân gắn chip.
Những lợi ích khi công dân có tài khoản định danh điện tử
- Khi người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện dịch vụ công thì những thông tin đã được tích hợp sẵn sẽ tự động điền vào biểu mẫu.
- Người dân có thể dễ dàng chia sẽ thông tin cá nhân của mình với bên thứ ba qua mã QR.
- Tài khoản định danh điện tử sẽ thay thế CCCD và các loại giấy tờ đã được đăng ký trên ứng dụng định danh như: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế,…
- Dễ dàng thực hiện các giao dịch tài chính, hóa đơn điện tử, bảo hiểm và chuyển tiền.
- Toàn bộ thông tin cá nhân sẽ được bảo mật và hoàn toàn không thể giả mạo.
Cũng theo Bộ Công an, các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNeID nên hacker khó truy cập vào thiết bị để đánh cắp thông tin.
Chỉ khi công dân đăng ký truy cập, dữ liệu mới được hiển thị lên ứng dụng. Khi cán bộ chức năng yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của công dân thì công dân phải cho phép (cấp quyền kiểm tra) thì cán bộ mới có thể xem được thông tin.
“Dữ liệu mã hóa cộng với giải pháp bảo mật ở mức độ cao, nên có thể ngăn ngừa hacker xâm nhập để đánh cắp thông tin cá nhân” – Bộ Công an cho hay.
Cần chú ý điều gì để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử?
– Không chia sẻ thông tin tài khoản cho người khác.
– Đăng xuất tài khoản khi cho người khác mượn thiết bị.
– Luôn cập nhật các thông tin về ứng dụng để nắm được các tin tức – thông báo mới nhất về các hướng dẫn an toàn thông tin.
Cần thiết bị như thế nào để có thể sử dụng được tài khoản định danh điện tử?
Tính đến hiện tại thì ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia yêu cầu thiết bị di động của công dân sử dụng hệ điều hành Android 5 hoặc IOS 9 trở lên. Ngoài ra khuyến khích nên sử dụng thiết bị có camera tốt, cấu hình thiết bị từ trung bình trở lên và đảm bảo kết nối internet để có trải nghiệm tốt nhất trong quá trình sử dụng ứng dụng.
Bị mất điện thoại đang sử dụng tài khoản định danh điện tử quốc gia thì người dân cần làm gì?
Trong trường hợp mất thiết bị đang sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân có thể thực hiện yêu cầu khóa tạm thời tài khoản để đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân của mình theo một trong hai cách:
– Yêu cầu khóa tài khoản trên trang thông tin Định danh điện tử Quốc gia.
– Liên hệ cơ quan công an để được hỗ trợ khóa tạm thời tài khoản.
Có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị cùng lúc không?
Theo quy định, tài khoản định danh điện tử của công dân chỉ có thể đăng nhập trên một thiết bị duy nhất tại một thời điểm. Vì vậy, công dân không thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị khác nhau cùng thời điểm.
Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) có quyền truy cập danh bạ, hình ảnh trong điện thoại không?
Trong một số dịch vụ cần truy cập đến danh bạ và hình ảnh có trong điện thoại thì ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia sẽ thông báo yêu cầu công dân cung cấp quyền truy cập để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Lời kết
Trên đây là một số thông tin về mã định danh cá nhân cho công dân, mã định danh cho trẻ em, mã định danh cho học sinh,… Tax Plus, hy vọng những thông tin hữu ích này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về mã định danh và tài khoản định danh điện tử của bản thân mình. Cảm ơn bạn đã theo dõi, nhớ nhấn Like và Share để ủng hộ Tax Plus nhé.
Cho thuê văn phòng ảo giá rẻ từ 595k
Dịch vụ cho thuê văn phòng ảo tại Tax Plus đang ngày càng khẳng định...
Th5
Dịch vụ cho thuê văn phòng trọn gói
Dịch vụ cho thuê văn phòng trọn gói đang được các doanh nghiệp lựa chọn...
Th5
Cho thuê chỗ ngồi làm việc chia sẻ
Dịch vụ cho thuê chỗ ngồi làm việc hiện nay đang ngày càng trở nên...
Th5
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói của TaxPlus ý thức rằng, từ lúc Doanh...
Th11
Dịch vụ thành lập Công ty TNHH – 290.000đ
Công ty TNHH Một Thành Viên sẽ do một tổ chức hoặc một cá nhân...
Th11
Dịch vụ đăng báo điện tử PR thương hiệu
Một trong những dịch vụ được sử dụng nhiều hiện nay chính là dịch vụ...
Th8