Quyết toán thuế TNCN là gì? Hướng dẫn quyết toán thuế đúng Luật 2023

Với những ai đang kinh doanh, startup thì phải tìm hiểu về quyết toán thuế thu nhập cá nhân (quyết toán thuế TNCN) thật kỹ lưỡng. Điều này vô cùng cần thiết, nó giúp bạn nắm bắt thông tin để vận hành việc kinh doanh dễ dàng hơn.

Đối với người lao động, bạn cũng cần nắm bắt thông tin cần thiết về quyết toán thuế TNCN để bảo vệ quyền lợi tài chính của mình khi đi làm.

Quyết toán thuế TNCN là gì

Trước tiên bạn phải hiểu khái niệm Thuế TNCN theo Luật Quản lý Thuế hiện hành. Quyết toán thuế TNCN hiểu một cách đơn giản là các cá nhân có phát sinh thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau mà thuộc thu nhập phải chịu thuế thì bắt buộc phải quyết toán thuế TNCN.

Thuế TNCN là gì

Hiểu đơn giản thì đây là khoản tiền mà các cá nhân có thu nhập phải trích ra từ tiền lương, tiền công để đóng vào ngân sách Nhà nước.

Đối với các nhân viên làm tại các doanh nghiệp (DN), phần thuế này sẽ luôn xuất hiện tại một mục trên bảng lương.

Đối tượng cần phải đóng thuế TNCN: Các cá nhân cư trú và không cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, Nhà nước không đánh thuế vào những cá nhân có thu nhập thấp với mức lương chỉ đủ nuôi sống bản thân. Từ đó, sự chênh lệch các tầng lớp dân cư về mặt thu nhập sẽ được giảm bớt. 

Thu nhập chịu thuế TNCN là gì

Nhiều người thường nhầm tưởng thu nhập chịu thuế TNCN và thu nhập tính thuế TNCN là một. Nhưng thực tế đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Thu nhập chịu thuế TNCN là cơ sở để tính thu nhập tính thuế TNCN.

Phần thu nhập chịu thuế (tiếng Anh: Taxable income). Đây là phần thu nhập của cá nhân tại Doanh nghiệp sau khi đã khấu trừ đi những khoản chi phí theo quy định.  

Đối với cá nhân cư trú thì thu nhập chịu thuế được tính là phần thu nhập phát sinh cả ngoài và trong lãnh thổ Việt Nam không phân biệt nơi trả thu nhập là ở đâu. 
Với những cá nhân được xét vào diện không cư trú thì mức thu nhập chịu thuế chỉ là thu nhập phát sinh khi làm việc tại Việt Nam không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

Công việc quyết toán có thể được làm bởi cá nhân đó hoặc được Tổ chức, doanh nghiệp (DN) nơi mà cá nhân đó đang công tác làm thay.

Quyết toán thuế TNCN là gì

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là việc cá nhân tiến hành các công việc kê khai số thuế trong một năm tính thuế về các vấn đề số thuế cần phải nộp thêm, hoàn trả số thuế đã nộp thừa và bù trừ thuế vào kỳ tiếp theo.

3 cách quyết toán thuế thu nhập cá nhân 

Trước khi đóng thuế TNCN, doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán bằng các hình thức sau:

  • Hình thức nộp trực tiếp.
  • Hình thức nộp qua bưu chính.
  • Hình thức nộp trực tuyến.

🆘 Xem thêm: Dịch vụ cho thuê chỗ ngồi làm việc

Căn cứ pháp lý để tính thuế TNCN

  • Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TNCN.
  • Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế TNCN và sửa đổi bổ sung thông tư 111/2013/TT-BTC.

Mốc thời điểm tính thuế TNCN:

Thời điểm tính thuế TNCN là thời điểm Người lao động nhận chi trả thu nhập từ đơn vị

Ví dụ: + Tiền lương của tháng 12/2021 được nhận vào tháng 01/2022 thì tính vào thu nhập chịu thuế của tháng 1 năm 2022.
+ Tiền thưởng tết dương lịch, âm lịch năm 2022, được nhận vào tháng 1/2022 thì cộng vào thu nhập tính thuế TNCN của tháng 1/2022.

Có 3 phương pháp tính thuế TNCN

Để xác định được phương pháp tính thuế TNCN cho người lao động trong Công ty, cần Bước 1 cần phải xác định NLĐ là cá nhân cư trú hay không cư trú trước, sau đó Bước 2 nếu là cá nhân cư trú thì xét thêm thời hạn của hợp đồng là từ 3 tháng trở lên hay dưới 3 tháng (không để ý đến tên gọi của hợp đồng lao động).

Đối tượng 1: Cá nhân cư trú có ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên (thường là người Việt Nam)

Thực hiện tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần

[Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất]

+ Kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi khác nhau.
+ Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì đơn vị chi trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần. (Theo điểm b, khoản 1 điều 25 của TT 111/2013/TT-BTC).

Thu nhập tính thuế TNCN

Được tính theo công thức sau: [Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – các khoản giảm trừ]. Trong đó:

Thu nhập chịu thuế là tổng TNCN nhận được từ tổ chức chi trả không bao gồm các khoản sau:

  • Tiền ăn giữa ca, tiền ăn trưa. (Theo Khoản 4 Điều 22 Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH là không được vượt quá 730.000 đồng/người/tháng.) Nếu mức chi cao hơn quy định trên thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
  • Phụ cấp tiền điện thoại. (Xem chi tiết tại Công văn 5274/TCT-TNCN ngày 09/12/2015, Công văn 1166/TCT-TNCN ngày 21/3/2016 của Tổng cục Thuế).
  • Phụ cấp về trang phục đi làm (Theo Điều 4 của Thông tư 96/2015/TT-BTC là không quá 5.000.000 đồng/người/năm.).
  • Tiền công tác phí (Xem chi tiết tại Công văn 1166/TCT-TNCN ngày 21/3/2016 của Tổng cục Thuế).
  • Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ. (Chẳng hạn như ban ngày được trả 6.000 đồng/giờ, làm thêm ban đêm được trả 10.000 đồng/giờ thì số tiền làm thêm ban đêm nhận được có 6.000 đồng phải chịu thuế TNCN, 4.000 đồng vượt trội không chịu thuế TNCN.).
  • Các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không chịu thuế TNCN

Các khoản giảm trừ bao gồm

Quy định về khoản giảm trừ được thể hiện rõ tại Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và Điều 15 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.

  • Giảm trừ gia cảnh:
    • Đối với bản thân là 9.000.000 đồng/người/tháng.
    • Còn đối với người phụ thuộc là 3.600.000 đồng/người/tháng.

Ngày 28/2/2020, Bộ Tài chính gửi công văn xin ý kiến các Bộ, Ngành, Địa phương, Cộng đồng doanh nghiệp… về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thương vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể đề xuất như sau:

  • Nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng.
  • Nâng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Hiện tại đề xuất này chưa được thông qua và hứa hẹn đưa ra thảo luận vào kỳ họp Quốc hội gần nhất. TaxPlus sẽ sớm thông tin đến bạn khi Dự thảo này được thông qua.

  • Các khoản bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt.
  • Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo hay khuyến học.

Thuế suất

Thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 22 Luật Thuế TNCN, cụ thể bạn có thể theo dõi bảng sau:

(Bảng thuế suất lũy tiến theo Phụ lục: 01/PL-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC)

Bậc thuế Phần Thu nhập chịu thuế/tháng (triệu đồng) Thuế suất (%) Cách tính thuế phải nộp (triệu đồng)
1 Đến 5 5 5% x TNTT
2 Trên 5 đến 10 10 10% x TNTT – 0.25
3 Trên 10 đến 18 15 15% x TNTT – 0.75
4 Trên 18 đến 32 20 20% x TNTT – 1.65
5 Trên 32 đến 52 25 25% x TNTT – 3.25
6 Trên 52 đến 80 30 30% x TNTT – 5.85
7 Trên 80 35 35% x TNTT – 9.85

Đối tượng 2: Cá nhân cư trú có ký HĐLĐ dưới 3 tháng hoặc không ký HĐLĐ

Đối với những cá nhân này thì tiến hành khấu trừ thuế TNCN theo từng lần chi trả thu nhập từ 2.000.000 đồng trở lên như sau: bị tính 10% tổng thu nhập trả/lần (không phân biệt có mã số thuế hay không).

Lưu ý: Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên. Những ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ giảm trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (Cam kết 02/CK-TNCN – Theo mẫu tại Thông tư 92/2015/TT-BTC) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.

Người làm cam kết số 02/CK-TNCN bắt buộc phải có MST (mã số thuế) tại thời điểm làm cam kết.

Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và tiến hành nộp cho cơ quan thuế.

Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp nếu phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.

Công thức tính: [Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x 10%]

Ví dụ: Anh Nguyễn Thanh Tuấn, ký hợp đồng lao động thời vụ 1 tháng với Công ty XNK Bia Rượu DealWine, lương cho vị trí giao nhận của Anh Tuấn gồm có: lương chính là 4.700.000đ, phụ cấp tiền ăn trưa 780.000đ, phụ cấp xăng xe 700.000đ.
Tổng thu nhập của Nguyễn Thanh Tuấn là: 6.180.000đ
Vì Công ty trả thu nhập lớn hơn 2.000.000đ nên khi trả lương cho Nguyễn Thanh Tuấn, Kế toán Cty DealWine sẽ phải khấu trừ tiền thuế TNCN tại nguồn 10% như sau:
Thuế TNCN phải khấu trừ = (4.700.000 + 780.000+700.000) * 10% = 618.000đ
(Tiền ăn, lương tăng ca của lao động vãng lai (ký dưới 3 tháng) không được miễn thuế TNCN. Công văn số 4217/CT-TTHT của Cục Thuế TP. HCM về thuế thu nhập cá nhân)

Đối tượng 3: Cá nhân không cư trú (thường là người nước ngoài)

Thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân với thuế suất 20%.

Công thức tính: [Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x 20%]

--> Xem thêm: Cách tính thuế TNCN cho người nước ngoài 

Nếu gặp khó khăn trong quá trình quyết toán thuế TNCN bạn có thể tham khảo dịch vụ quyết toán thuế TNCN của TaxPlus được tư vấn tận tâm và tháo gỡ các vướng mắc mà bạn đang gặp phải.

Thời hạn quyết toán thuế TNCN

Theo như quy định tại khoản 2, Điều 32 của Luật Quản lý thuế thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán năm.

Xem thêm:  Có nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần không? Thủ tục thế nào?

Nhưng, cũng theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 8 của Thông tư 156/2013/TT-BTC. Trong trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trùng với ngày nghỉ thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó.

Cho nên, thời hạn quyết toán thuế TNCN của năm 2020 đối với thu nhập của năm 2019 sẽ vào ngày 30/03/2020. 

Kết luận: Ngày 30/03/2020 chính là ngày cuối cùng mà các cá nhân, đơn vị phải hoàn thành việc quyết toán thuế TNCN theo đúng Luật Quản lý Thuế quy định. Do đó, mọi người cần nắm bắt thông tin về thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân để thực hiện cho đúng.

🆘 Xem thêm

 

Xử phạt vi phạm hành chính về quyết toán thuế TNCN

Đơn vị, cá nhân chi trả thu nhập phải hoàn tất quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và cá nhân có phát sinh thu nhập tại nhiều nơi cũng phải khai quyết toán thuế TNCN chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Do đó, nếu không quyết toán thuế TNCN thì sẽ bị xử phạt theo từng trường hợp cụ thể như sau:

Tại khoản 1, Điều 21, Thông tư 92/2015/TT- BTC sửa đổi, bổ sung tiết a.3, điểm a, khoản 1, Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn: “Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN và quyết toán thuế TNCN thay cho các cá nhân có ủy quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế.

Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế TNCN”.

Nếu Đơn vị, cá nhân chi trả thu nhập không nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm hoặc nộp chậm hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì sẽ bị phạt theo quy định. Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của pháp luật bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận.

Bên cạnh đó, nếu cá nhân phát sinh thuế phải nộp mà không nộp hồ sơ quyết toán thuế thì mức phạt sẽ được quy định bằng 1/2 mức phạt của tổ chức; nếu cá nhân có số thuế nộp thừa mà không nộp hồ sơ quyết toán thuế thì không được hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ sau.

Đối với cá nhân muốn hoàn thuế mà chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN thì không áp dụng phạt vi phạm hành chính đối với khai thuế quá thời hạn.

Hướng dẫn cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online 2023

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công nhưng không thuộc diện ủy quyền quyết toán cho nơi trả thu nhập thì phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế. Theo đó, việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân bằng hình thức online cho đối tượng này sẽ được thực hiện tuần tự theo 9 bước.

Bước 1: Truy cập hệ thống thuế điện tử của Tổng cục Thuế

Trường hợp người nộp thuế chưa đăng ký thì phải đăng ký trước khi đăng nhập.

Bước 2: Đăng nhập hệ thống

Hướng dẫn cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online 2022 - Ảnh 1.

– Nhập “mã số thuế” và nhập “mã kiểm tra”, sau đó ấn tiếp tục.

Hướng dẫn cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online 2022 - Ảnh 2.

– Nhập “mã số thuế” và nhập “mật khẩu”, sau đó ấn đăng nhập.

Bước 3: Chọn “Quyết toán thuế” và chọn “kê khai trực tuyến”.

Hướng dẫn cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online 2023

Bước 4: Chọn thông tin tờ khai quyết toán thuế

– Tên người gửi: Điền tên người nộp thuế (tự động theo thông tin đăng ký thuế).

– Địa chỉ liên hệ: Tự động theo thông tin đăng ký thuế (có thể sửa).

– Điện thoại liên lạc: Tự động theo thông tin đăng ký thuế (có thể sửa).

– Địa chỉ email: Tự động theo thông tin đăng ký thuế (có thể sửa).

– Chọn tờ khai: Chọn 02/QTT-TNCN – Tờ khai quyết toán thuế TNCN (TT80/2021).

Hướng dẫn cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online 2022 - Ảnh 4.

– Chọn cơ quan quyết toán thuế.

– Tùy theo từng trường hợp mà người nộp thuế kê khai cho chính xác.

Hướng dẫn cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online 2022 - Ảnh 5.

Sẽ có 3 trường hợp, tương ứng với 3 đối tượng, cụ thể:

Trường hợp 1: Người nộp thuế có duy nhất 1 nguồn trực tiếp khai thuế trong năm do làm việc tại các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam hoặc nguồn từ nước ngoài (không khấu trừ tại nguồn). Sau đó, người nộp thuế lựa chọn cơ quan thuế đã khai trực tiếp trong năm tại ô “Cục thuế” trực tiếp khai thuế trong năm.

Trường hợp 2: Người nộp thuế trực tiếp khai thuế trong năm có từ 2 nguồn trở lên, bao gồm cả trường hợp vừa có thu nhập thuộc diện khai trực tiếp trong năm, vừa có thu nhập do tổ chức trả thu nhập đã khấu trừ. Sau đó, người nộp thuế tự kê khai các nguồn thu nhập và thông tin liên quan theo bảng sau:

Hướng dẫn cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online 2022 - Ảnh 6.

Trường hợp 3: Người nộp thuế không trực tiếp khai thuế trong năm chỉ có nguồn thu nhập thuộc diện khấu trừ qua tổ chức trả thu nhập. Sau đó khai thông tin về việc thay đổi nơi làm việc:

– “Người nộp thuế tích vào ô này nếu có thay đổi nơi làm việc. Sau đó khai thông tin vào ô 1 hoặc ô 2”.

1. Tại thời điểm quyết toán người nộp thuế đang tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại tổ chức chi trả. Nếu tích vào ô này thì người nộp thuế tiếp tục nhập thông tin mã số thuế của tổ chức chi trả tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân.

2. Tại thời điểm quyết toán người nộp thuế không làm việc cho tổ chức chi trả hoặc không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại bất kỳ tổ chức chi trả nào. Nếu tích vào ô này người nộp thuế tiếp tục lựa chọn cơ quan thuế quản lý tại nơi cư trú (tạm trú hoặc thường trú).

Hướng dẫn cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online 2022 - Ảnh 7.

– “Người nộp thuế tích vào ô này nếu không thay đổi nơi làm việc. Sau đó khai thông tin vào ô 3 hoặc ô 4 hoặc ô 5”.

3. Tại thời điểm quyết toán vẫn còn làm việc tại tổ chức chi trả. Nếu tích vào ô này người nộp thuế tiếp tục nhập thông tin mã số thuế của tổ chức chi trả để hệ thống hỗ trợ tự động xác định cơ quan thuế quyết toán.

4. Tại thời điểm quyết toán đã nghỉ việc và không làm việc tại bất kỳ tổ chức chi trả nào. Nếu tích vào ô này người nộp thuế tiếp tục lựa chọn cơ quan thuế quản lý tại nơi cư trú (tạm trú hoặc thường trú).

5. Tại thời điểm quyết toán người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở bất kỳ tổ chức trả thu nhập nào (tổ chức khấu trừ thuế 10% tại nguồn của cá nguồn). Nếu tích vào ô này người nộp thuế tiếp tục lựa chọn cơ quan thuế quản lý tại nơi cư trú (tạm trú hoặc thường trú).

Hướng dẫn cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online 2022 - Ảnh 8.

– Chọn trường hợp quyết toán: Quyết toán theo năm dương lịch (thông thường chọn mục này)/quyết toán 12 tháng liên tục khác năm dương lịch/quyết toán không đủ 12 tháng.

– Loại tờ khai: Tờ khai chính thức.

– Năm quyết toán: 2021.

Sau khi khai đầy đủ thông tin ấn “tiếp tục”.

Bước 5: Khai tờ khai quyết toán thuế, cụ thể:

– [01] đến [06]: Thông tin được hệ thống tự động nhập.

– [07] đến [08]: Chọn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ở mục 08 trước, sau đó chọn quận/huyện ở mục 07.

– [09] Nhập số điện thoại người nộp thuế: Tự động theo thông tin khi đăng ký thuế, nếu không hiển thị phải bắt buộc điền.

– [10] Fax: Không bắt buộc.

– [11] Điền địa chỉ email của người nộp thuế: Tự động theo thông tin khi đăng ký thuế, nếu không hiển thị phải bắt buộc điền.

– [12] đến [14] Thông tin liên quan đến đại lý thuế (nếu có).

– [15] đến [19] Hệ thống tự động điền thông tin.

– [20] Tổng thu nhập chịu thuế (TNCN) trong kỳ: [20] = [21] + [23] – Thông tin này sẽ điền tự động sau khi nhập thông tin tổng thu nhập chịu thuế tại chỉ tiêu [21].

– [21] Tổng thu nhập chịu thuế: Điền theo thông tin đã phát sinh trong năm (phải điền chính xác).

+ Là tổng các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập chịu thuế khác có tính chất tiền lương, tiền công phát sinh tại Việt Nam.

+ Thu nhập phát sinh ở đâu thì cơ quan chi trả thu nhập xuất chứng từ cho cá nhân, cá nhân lấy thông tin về thu nhập trên các chứng từ đó nhập vào tờ khai.

Hướng dẫn cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online 2022 - Ảnh 9.

– [24] Số người phụ thuộc (nhập chỉ tiêu này nếu đã đăng ký người phụ thuộc).

– [25] Các khoản giảm trừ: [25] = [26] + [27] + [28] + [29] + [30].

Hệ thống sẽ mặc định tổng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 132 triệu đồng/năm. Chỉ thay đổi nếu có người phụ thuộc tại chỉ tiêu [27], người nộp thuế khai tiền từ thiện, nhân đạo, khuyến học tại chỉ tiêu [28], các khoản đóng bảo hiểm được trừ tại chỉ tiêu [29], khoản đóng quỹ hưu trí tự nguyện được trừ tại chỉ tiêu [30].

– [31] Tổng thu nhập tính thuế ([31] = [20] – [22] – [25]): Tự động.

– [32] Tổng số thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong kỳ: Tự động.

– [33] Tổng số thuế đã nộp trong kỳ ([33] = [34] + [35] + [36] – [37] – [38]): Tự động sau khi điền chỉ tiêu [34], [35], [36], [37], [38].

– [34] Số thuế đã khấu trừ tại tổ chức trả thu nhập: Điền chính xác theo chứng từ khấu từ thuế.

– [35] Số thuế đã nộp trong năm không qua tổ chức trả thu nhập.

– [36] Số thuế đã nộp ở nước ngoài được trừ (nếu có).

– [37] Số thuế đã khấu trừ, đã nộp ở nước ngoài trùng do quyết toán vắt năm.

– [38] Số thuế đã nộp trong năm không qua tổ chức trả thu nhập trùng do quyết toán vắt năm.

– [39] Tổng số thuế thu nhập cá nhân được giảm trong kỳ [39] = [40] + [41].

– [40] Số thuế phải nộp trùng do quyết toán vắt năm.

– [41] Tổng số thuế thu nhập cá nhân được giảm khác.

– [42] Tổng số thuế còn phải nộp trong kỳ ([42] = ([32] – [33] – [39]) >0).

– [43] Số thuế được miễn do cá nhân có số tiền thuế phải nộp sau quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống (0 < [42] <= 50.000 đồng)

– [44] Tổng số thuế nộp thừa trong kỳ ([44] = ([32] – [33] – [39]) <0).

– [45] Tổng số thuế đề nghị hoàn trả [45] = [46] + [47].

– [46] Số thuế hoàn trả cho người nộp thuế.

– [47] Số thuế bù trừ cho khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác.

– [48] Tổng số thuế bù trừ cho các phát sinh của kỳ sau ([48] = [44] – [45]).

Hướng dẫn cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online 2022 - Ảnh 10.

Sau khi điền xong thông tin thì chọn “Hoàn thành kê khai”.

Bước 6: Chọn kết xuất XML

Bước 7: Chọn “nộp tờ khai”, nhập “mã kiểm tra” để xác thực nộp tờ khai và chọn “tiếp tục”.

Hệ thống sẽ báo nộp tờ khai thành công.

Bước 8: In tờ khai

– Tại bước sau khi chọn “kết xuất XML”, hệ thống sẽ gửi về file tờ khai theo định dạng XML.

– Tải về ứng dụng iTax Viewer để mở file, sau khi đã cài đặt thì có thể mở file “kết xuất XML” và chọn in 2 bản và ký tên người nộp thuế.

Bước 9: Người nộp thuế mang CMND/CCCD, chứng từ khấu trừ thuế, tờ khai thuế vừa in (có chữ ký) đến nộp tại Bộ phận một của của Cơ quan Thuế đã nộp tờ khai.

🆘 Xem thêm

Xem thêm:  Hợp đồng thuê tài sản là gì? Những điều cần biết về hợp đồng thuê tài sản

Cách đóng thuế thu nhập cá nhân trực tuyến

Nộp thuế trực tuyến là giải pháp cải tiến quy trình về nộp thuế, nhằm tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa quy trình đóng thuế. Cá nhân và doanh nghiệp có thể thực hiện nộp thuế điện tử theo các bước sau:

Bước 1: Đăng ký tài khoản online bằng cách truy cập vào trang web: . Sau đó hoàn tất bản khai thông tin cá nhân.
Bước 2: Người nộp thuế tải bản đăng ký ủy quyền trích nợ tài khoản tại các ngân hàng: BIDV, Vietcombank, MB bank, Vietinbank, Agribank tại website hoặc cổng thông tin ngân hàng. Sau khi thực hiện hoàn tất các thủ tục ủy quyền theo sự hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, bạn sẽ nhận được tài khoản sử dụng.
Bước 3: Sau khi hoàn tất đăng ký, người nộp đăng nhập vào cổng thông tin điện từ và chọn mục nộp thuế, ký giấy nộp tiền và chuyển đến trang web của cơ quan thuế.
Sau khi hoàn thành 3 bước, bạn chỉ cần đợi ngân hàng kiểm tra lại thông tin của cơ quan thuế. Ngân hàng sẽ tiến hành trích nợ để chuyển tiền đến cơ quan thuế. Sau khi hoàn thành, bạn sẽ nhận được tin báo về việc hoàn tất thủ tục.

🛑🛑🛑Lưu ý: Để tránh những sai sót không đáng có, người nộp thuế cần kiểm tra lại chính xác những thông tin được kê khai trong tờ khai quyết toán thuế và thông tin khai báo khi đăng ký tài khoản online.

Tổng hợp câu hỏi thường gặp về Quyết toán thuế TNCN 

Câu hỏi 1: Thời hạn Người nộp thuế (NNT) thực hiện nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN năm 2021?

Trả lời: Có 2 trường hợp nộp Quyết toán thuế TNCN cụ thể sau:

  • Đối với trường hợp phải nộp thêm: 30/03/2023
  • Đối với trường hợp nộp thừa, yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế: hồ sơ quyết toán có thể nộp sau ngày 30/03/2023.

Câu hỏi 2: Tất cả các cá nhân có thu nhập đều phải quyết toán thuế TNCN đúng không?

Trả lời: Không phải cá nhân nào cũng quyết toán thuế TNCN mà chỉ các cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân với Cơ quan thuế khi:

  • Có số thuế phải nộp thêm khi quyết toán thuế;
  • Hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

Câu hỏi 3: Cá nhân thực hiện quyết toán trực tiếp với Cơ quan thuế thì cần chuẩn bị những hồ sơ nào?

Trả lời: Cá nhân khi quyết toán phải chuẩn bị các tài liệu sau:

1/ Tờ khai quyết toán thuế mẫu số: 02/QTT-TNCN, Phụ lục mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN (nếu có), đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (Mẫu biểu ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính).
2/ Các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có)_ Bản chụp.
3/ Các hoá đơn chứng từ chứng minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có) _Bản chụp
4/ Trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài phải có tài liệu chứng minh về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài.

Câu hỏi 4: Đầu năm, một vài cá nhân đăng ký giảm trừ người phụ thuộc là cha mẹ, vợ chồng, con chậm hơn quy định (tháng 4-2021 cá nhân gửi công ty nộp cơ quan thuế). Tuy nhiên, họ phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng từ tháng 1-2021. Vậy bây giờ, tháng 3-2023, cá nhân này đăng ký lại thì công ty có được đăng ký giảm trừ gia cảnh lại với cơ quan thuế và được tính từ tháng 1-2021 hay không?

Trả lời: Trường hợp có phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng đăng ký muộn hoặc đến khi quyết toán thuế mới đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là cha mẹ, vợ chồng, con thì khi quyết toán thuế được tính giảm trừ cho người phụ thuộc từ tháng có nghĩa vụ nuôi dưỡng. Như vậy, họ được tính giảm trừ gia cảnh từ tháng có nghĩa vụ nuôi dưỡng là tháng 1-2021.

Câu hỏi 5: Người vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công vừa có thu nhập từ cổ tức của một Công ty khác, quyết toán thuế như thế nào? Có ủy quyền cho đơn vị đó quyết toán thuế được không?

Trả lời: Khoản thu nhập từ đầu tư vốn (cổ tức được chia, đã khấu trừ thuế 5%) không phải quyết toán thuế, nếu trong năm bạn chỉ có duy nhất một khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một Công ty chi trả thu nhập thì bạn có thể ủy quyền cho Công ty chi trả quyết toán thuế thay.

Câu hỏi 6: Hàng năm tôi đóng thuế thu nhập cá nhân khoảng 45 triệu đồng, Công ty trừ vào lương hàng tháng, khi đã hoàn tất việc đóng thuế thì tôi có nhận được hóa đơn đỏ từ Cục thuế không? Việc nhận hóa đơn là hiển nhiên Công ty nhận về và giao lại cho tôi hay cá nhân tôi phải tự đi làm thủ tục để nhận hóa đơn đỏ?

Trả lời: Trường hợp có thu nhập từ tiền lương, tiền công nếu trong năm chỉ có duy nhất một nguồn thu nhập này, Anh/Chị có thể ủy quyền cho công ty nơi A/C làm việc quyết toán thuế thay, và trường hợp này đơn vị chi trả thu nhập sẽ không cấp chừng từ khấu trừ thuế nữa. Trường hợp không ủy quyền cho công ty quyết toán thuế thay thì yêu cầu công ty cấp chứng từ khấu trừ thuế để trực tiếp quyết toán thuế với Cơ quan thuế.

Câu hỏi 7: Tôi đã nghỉ hưu và có lương 3 triệu đồng một tháng. Hiện tôi có đi làm bảo vệ với mức lương 7 triệu đồng. Xin hỏi với thu nhập như vậy tôi có phải kê khai quyết toán thuế và nộp thuế không? Nếu trong trường hợp cả hai khoản thu nhập trên lớn hơn 9 triệu đồng một tháng thì tôi có phải nộp thuế?

Trả lời: Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, khoản tiền lương hưu anh nhận được là thu nhập được miễn thuế; ngoài ra anh có đi làm và có thu nhập tiền lương là 7 triệu đồng thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và không phải quyết toán thuế.

Câu hỏi 8: Trường hợp nào cá nhân có thu nhập tiền lương, tiền công được hoàn thuế thu nhập cá nhân?

Trả lời: Việc hoàn thuế TNCN chỉ áp dụng đối với những cá nhân đã có mã số thuế tại thời điểm đề nghị hoàn thuế.
Đối với cá nhân đã ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập.
Cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế nếu có số thuế nộp thừa thì được hoàn thuế, hoặc bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo.
Do vậy, để được hoàn thuế TNCN, cá nhân phải có đủ các điều kiện sau:
– Có số thuế nộp thừa;
– Có mã số thuế TNCN tại thời điểm đề nghị hoàn thuế;
– Có đề nghị hoàn thuế.

Câu hỏi 9: Trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán
thuế TNCN với cơ quan thuế có thuế nộp thừa thì phải nộp hồ sơ hoàn thuế như thế nào?

Trả lời: Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế nếu có số thuế nộp thừa và đề nghị hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ sau thì cá nhân phải nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN và ghi số thuế đề nghị hoàn vào chỉ tiêu [47] – “Số thuế hoàn trả vào tài khoản NNT” hoặc chỉ tiêu [49] – “Tổng số thuế bù trừ cho các phát sinh của kỳ sau” tại tờ khai quyết toán thuế theo mẫu số 02/QTT-TNCN khi quyết toán thuế.

Câu hỏi 10: Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thuộc diện tự quyết toán thuế thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế ở đâu?

Trả lời: Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thuộc diện tự quyết toán thuế tại cơ quan thuế thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế như sau:
Cá nhân đã tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại tổ chức trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức trả thu nhập đó.

Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức trả thu nhập cuối cùng có tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức trả thu nhập cuối cùng.

Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức trả thu nhập cuối cùng không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

Câu hỏi 11: Tháng 5/2021, tôi nghỉ làm ở công ty tại Tp. HCM. Tháng 7/2021 tôi chuyển đến Long An làm việc. Vậy tôi phải đi quyết toán thuế TNCN ở đâu?

Trả lời: Đến thời điểm nộp hồ sơ quyết toán, nếu bạn có đăng ký giảm trừ gia cảnh tại công ty do Cục Thuế tỉnh Long An quản lý thì nộp hồ sơ quyết toán tại Cục Thuế tỉnh Long An.
Nếu đến thời điểm quyết toán mà bạn chưa đăng ký giảm trừ gia cảnh tại bất kỳ tổ chức chi trả thu nhập nào hoặc không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu nhập một nơi hoặc nhiều nơi đã khấu trừ 10% thì quyết toán thuế tại Chi cục thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

Câu hỏi 12: Tôi thuộc trường hợp phải trực tiếp quyết toán thuế năm 2021 với cơ quan thuế và có phát sinh số thuế nộp thừa được hoàn thuế. Nếu tôi nộp hồ sơ quyết toán năm 2021 sau ngày 30/03/2023 thì tôi có bị xử phạt do nộp hồ sơ khai quyết toán thuế quá thời hạn không?

Trả lời: Trường hợp này bạn không bị xử phạt chậm nộp. Vì vậy các cá nhân khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2021 có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn nên nộp sau ngày 30/03/2022.

Câu hỏi 13: Trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức, cá nhân trả từ nước ngoài hoặc tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, lãnh sự quán nếu thuộc diện phải quyết toán thì nộp tại Chi cục thuế hay Cục thuế?

Trả lời: Nộp tại Cục thuế

Câu hỏi 14: Tôi kinh doanh cửa hàng cho thuê áo cưới, thuê mặt bằng kinh doanh hết 6 triệu một tháng, đóng thuế thu khoán 900.000 đồng một tháng, thuế môn bài 2 triệu mỗi năm, đóng thuế doanh thu 1% và đóng thuế thu nhập cá nhân 0,5%. Trong khi tôi đang nuôi 2 con nhỏ và Bố, Mẹ già. Vậy tôi có được hoàn thuế thu nhập cá nhân hay không?

Trả lời: Theo quy định hiện hành, trường hợp cá nhân kinh doanh đã nộp thuế khoán (thuế thu nhập cá nhân và thuế GTGT) theo tỷ lệ ấn định thì không thuộc đối tượng phải quyết toán thuế và không được hoàn thuế.

Câu hỏi 15: Tôi ký hợp đồng dài hạn với 1 đơn vị A, đóng BHXH, BHYT, BHTN tại đơn vị A, lương hàng tháng ở đơn vị A là 12 triệu đồng. Tôi có làm thêm ở đơn vị B và C mỗi đơn vị lương hàng tháng là 4 triệu. Tổng thu nhập 1 tháng của tôi là 20 triệu đồng. Xin cho hỏi theo mức thu nhập như trên tôi có phải kê khai quyết toán thuế TNCN không? Nếu có thì đơn vị nào khai hay tôi phải khai? Tôi có phải tạm khấu trừ hàng tháng 10% thuế thu nhập cá nhân ở hai đơn vị B và C không?

Xem thêm:  Khuyến mãi là gì? Khuyến mãi đến 80% có đúng Pháp luật?

Trả lời: – Theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 25 Thông tư số 111/2013 ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì: Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng mỗi lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân. Như vậy, tại đơn vị B và C bạn phải tạm khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân.
– Theo quy định, trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ) thì cá nhân không ủy quyền quyết toán thuế. Như vậy bạn không được ủy quyền cho đơn vị nào quyết toán thay mà phải trực tiếp khai và nộp hồ sơ khai quyết toán thuế.

Câu hỏi 16: Trường hợp cá nhân có cơ sở kinh doanh, đồng thời có thu nhập thường xuyên từ lương tại công ty (chỉ làm việc và có thu nhập tiền lương tại 1 công ty), thì cá nhân đó có được ủy quyền cho công ty quyết toán thuế TNCN năm 2022 không?

Trả lời: Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 và thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015, trường hợp của bạn được uỷ quyền cho cơ quan chi trả thu nhập quyết toán thuế TNCN năm 2019.

Câu hỏi 17: Tháng 3/2021, công ty tôi có làm một hợp đồng khoán việc với lao động A trị giá 25 triệu đồng, công ty khấu trừ thuế 10%. Đến tháng 8/2021, công ty ký hợp đồng lao động 12 tháng với lao động A này, thanh toán bảo hiểm và thuế lũy tiến. Vậy khi quyết toán thuế TNCN 2021 cho người lao động này, công ty sẽ quyết toán như thế nào?

Trả lời: Trường hợp này, nếu cá nhân người lao động A trong năm chỉ có thu nhập duy nhất tại Công ty bạn thì cuối năm 2021, cá nhân người lao động A lập Giấy ủy quyền cho Công ty thực hiện quyết toán thuế thay, Công ty tổng hợp thu nhập tại hợp đồng khoán việc và thu nhập theo hợp đồng 12 tháng của cá nhân người lao động A và tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Câu hỏi 18: Trường hợp cá nhân thuộc đối tượng quyết toán thuế năm 2017 có thuế nộp thừa, do một số điều kiện mà chưa thực hiện hoàn thuế. Vậy khi quyết toán thuế TNCN cho năm 2019 tôi có thể hồ sơ quyết toán năm 2017 đến cơ quan thuế để thực hiện quyết toán thuế cho năm 2017 được không?

Trả lời: Trường hợp đến nay cá nhân thực hiện quyết toán năm 2017 có thuế nộp thừa đề nghị hoàn thuế hoặc bù trừ số thuế vào kỳ tiếp theo thì cá nhân lập hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN năm 2017 và nộp cho cơ quan thuế theo quy định. Trường hợp này cá nhân không bị xử phạt vi phạm hành chính về nộp chậm tờ khai.

Câu hỏi 19: Người nước ngoài đến Việt Nam lần đầu tiên từ tháng 3/2019. Trong năm là cá nhân cư trú. Khi quyết toán thì có tính đến các khoản thu nhập của người này từ tháng 1-2 hay không? Khi tính giảm trừ thì tính 10 tháng hay là 12 tháng?

Trả lời: Theo quy định: Trường hợp cá nhân cư trú là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc Hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng).

Như vậy, trường hợp người nước ngoài này là cá nhân cư trú thuộc công dân của quốc gia đã ký kết Hiệp định với Việt Nam thì khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân sẽ tính từ tháng đến Việt Nam (tháng 3) và tính giảm trừ gia cảnh 10 tháng.

Trường hợp người nước ngoài này là cá nhân cư trú thuộc công dân của quốc gia chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam. Người này phải tổng hợp thu nhập ở nước ngoài trong tháng 1 và tháng 2 vào toàn bộ thu nhập ở Việt Nam để quyết toán và tính giảm trừ 12 tháng.

Câu hỏi 20: Ông Nguyễn Văn A là cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019 có số thuế nộp thêm là 94 triệu đồng, nhưng quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, Ông không thực hiện quyết toán thuế thì ông A có bị xử lý vi phạm hành chính thuế không?

Trả lời: Có. Theo quy định của pháp luật về thuế TNCN, trường hợp cá nhân phải trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế có số thuế phải nộp hoặc nộp thêm, nhưng quá thời hạn 90 ngày không thực hiện quyết toán thuế thì cơ quan thuế căn cứ vào hành vi vi phạm của cá nhân để xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định.

Câu hỏi 21: Theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thì có 10 khoản thu nhập chiụ thuế TNCN. Vậy khoản thu nhập nào phải thực hiện quyết toán thuế TNCN?

Trả lời: Chỉ có khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công phải thực hiện quyết toán thuế TNCN hàng năm.

Câu hỏi 22: Khi Tôi tự quyết toán thì kê khai tờ khai nào và cách gửi tờ khai như thế nào?

Trả lời: Cá nhân tự quyết toán thực hiện kê khai tờ khai 02/QTT-TNCN theo TT 92/2015/TT-BTC.
Người nộp thuế (NNT) vào website “thuedientu.gdt.gov.vn” chọn mục “Cá nhân” thực hiện “đăng nhập”, tạo tờ khai trực tiếp trên tab Quyết toán thuế/Kê khai trực tuyến và thực hiện gửi tệp tin dữ liệu của tờ khai đến cơ quan thuế quyết toán. Sau đó, NNT nộp hồ sơ khai thuế (bản giấy) tại cơ quan thuế quyết toán.

Câu hỏi 23: Tôi phải dùng ứng dụng phần mềm nào để thực hiện lập tờ khai quyết toán TNCN 2019?

Trả lời: NNT có thể lập tờ khai quyết toán bằng 2 cách:

  • Cách 1: Kê khai trực tuyến tại website thuedientu.gdt.gov.vn: NNT chọn mục Cá nhân, thực hiện “Đăng nhập”, chọn Tab “Quyết toán thuế/Kê khai trực tuyến” .
  • Cách 2: Sử dụng phần mềm hỗ trợ kê khai kiến trúc mới do Tổng cục Thuế cung cấp (hiện tại là HTKK 4.1.5). NNT tải phần mềm tại tab Trang chủ, mục “Hỗ trợ/Phần mềm liên quan” của website nhantokhai.gdt.gov.vn.

Câu hỏi 24: Trường hợp quên mã số thuế TNCN thì tôi tìm lại bằng cách nào?

Trả lời: Trường hợp NNT đã được cấp MST cá nhân, để tra cứu mã số thuế cá nhân, NNT vào website “thuedientu.gdt.gov.vn”, chọn mục “Cá nhân” chọn “Tra cứu thông tin người nộp thuế” và nhập điều kiện tra cứu như CMT/ thẻ căn cước/ Hộ chiếu,… Hệ thống sẽ hiển thị kết quả tra cứu là thông tin cá nhân gồm MST, Cơ quan thuế, Ngày cấp,..

Câu hỏi 25: Tôi có thể tra cứu thông tin người phụ thuộc (NPT) như thế nào?

Trả lời: NNT liên hệ bộ phận đăng ký thuế của cơ quan thuế để được hỗ trợ, điện thoại 028.377.022.88 – máy lẻ 6036

Câu hỏi 26: Khi tôi thực hiện đăng nhập vào trang thuedientu.gdt.gov.vn, thì bị báo lỗi “ngày cấp mã số thuế không đúng, vui lòng nhập lại”. Vậy tôi phải làm gì?

Trả lời: Nguyên nhân: do NNT nhập chưa đúng ngày cấp MST. NNT cần nhập đúng ngày cấp MST.
Bước 1: NNT thực hiện tra cứu thông tin cơ quan thuế đang quản lý mã số thuế: NNT vào website “thuedientu.gdt.gov.vn”, chọn mục “Cá nhân” chọn “Tra cứu thông tin người nộp thuế” và nhập điều kiện tra cứu như CMT/ thẻ căn cước/ Hộ chiếu,… Hệ thống sẽ hiển thị kết quả tra cứu là thông tin cá nhân gồm MST, Cơ quan thuế quản lý, Ngày cấp mã số thuế,…
Bước 2: NNT vào website “thuedientu.gdt.gov.vn” chọn mục “Cá nhân” thực hiện “Đăng nhập”, nhập ngày cấp MST đã tra cứu ở bước 1.

Câu hỏi 27: Quyết toán thuế TNCN năm 2019, NNT nộp hồ sơ quyết toán tại Cục thuế TP.HCM.
Khi đăng nhập gửi file quyết toán trên website thuedientu.gdt.gov.vn, khi tôi chọn CQT quản lý là Cục thuế TP.HCM thì hệ thống báo lỗi “Cơ quan thuế quản lý không đúng, vui lòng chọn lại!”. Vậy tôi phải làm gì?

Trả lời: Nguyên nhân: do cơ quan thuế quản lý MST khác cơ quan thuế quyết toán. NNT cần lựa chọn đúng thông tin cơ quan thuế quản lý.
– Bước 1: NNT thực hiện tra cứu thông tin cơ quan thuế đang quản lý mã số thuế: NNT vào website “thuedientu.gdt.gov.vn”, chọn mục “Cá nhân” chọn “Tra cứu thông tin người nộp thuế” và nhập điều kiện tra cứu như CMT/ thẻ căn cước/ Hộ chiếu,… Hệ thống sẽ hiển thị kết quả tra cứu là thông tin cá nhân gồm MST, Cơ quan thuế quản lý, Ngày cấp,..
– Bước 2: NNT vào website “thuedientu.gdt.gov.vn” chọn mục “Cá nhân” thực hiện “Đăng nhập”, chọn cơ quan thuế quản lý đã tra cứu ở bước 1.

Câu hỏi 28: Tôi đã nộp tệp tin dữ liệu tờ khai thành công. Sau đó, tôi phát hiện tệp tin dữ liệu đã gửi không chính xác và muốn gửi lại tệp tin dữ liệu khác cùng kỳ kê khai. Cách gửi lại tệp tin dữ liệu tờ khai thực hiện như thế nào?

Trả lời: NNT cần tra cứu lại tệp tin dữ liệu tờ khai đã gửi để xem trạng thái xử lý tờ khai: NNT vào website “thuedientu.gdt.gov.vn” chọn mục “Cá nhân” thực hiện “đăng nhập”, chọn tab “Quyết toán thuế/Tra cứu tờ khai”, chọn các thông số dưới đây và nhấn tra cứu:
– Tờ khai: “02/QTT-TNCN Tờ khai quyết toán thuế…”
– Từ ngày…..đến ngày…
Hệ thống hiển thị thông tin dữ liệu tờ khai NNT đã gửi có trạng thái tệp tin. Nếu trạng thái tệp tin đã gửi là:
– “ICANHAN – Chờ phê duyệt”: NNT thực hiện lại các bước gửi tệp tin trên website “thuedientu.gdt.gov.vn” và tích chọn ô “Gửi lại file dữ liệu”
– “ICANHAN – Đã phê duyệt” hoặc “ICANHAN – Đã xử lý thành công”: NNT gửi tờ khai bổ sung nếu đã hết hạn nộp chính thức (lưu ý chỉ gửi bổ sung khi đã có tờ khai chính thức). Nếu vẫn còn trong hạn nộp gửi tờ khai chính thức, thì NNT tích vào ô “Gửi lại file dữ liệu” để gửi tờ khai.

…còn bổ sung. TaxPlus liên tục cập nhật các câu hỏi thường nhật để hỗ trợ các bạn.

🆘 Xem thêm

Lời kết

Mong rằng, với những chia sẻ hữu ích về tổng hợp thông tin cần thiết về quyết toán thuế thu nhập cá nhân trên sẽ phần nào cung ứng nguồn tin bổ ích đến mọi người. Nếu bạn thấy bài viết này thực sự hay, bổ ích, có nghĩa thì đừng quên ấn nút chia sẻ để mọi người cùng nắm bắt.

Để cập nhật kiến thức hữu ích về thuế theo đúng Luật Quản lý Thuế quy định hiện hành. Đừng bỏ lỡ những tin tức hữu ích từ các chuyên mục của TaxPlus.

Nếu bạn đang thắc mắc bất cứ vấn đề gì có liên quan tới thuế TNCN, quyết toán thuế TNCN, hồ sơ, thủ tục để quyết toán thuế TNCN, cách tính thuế TNCN… Đừng ngại hãy gọi hotline: 0853 9999 77 để được tư vấn trực tiếp nhé!

Xuất bản ngày: 18/07/2019 @ 04:25